Trong chiến dịch Điện Biên Phủ chói lọi, bên cạnh những khẩu pháo uy nghi, những chiến binh dũng mãnh, còn có hình ảnh lặng thầm mà kiên cường của xe đạp thồ. Chiếc xe tưởng chừng đơn giản ấy lại trở thành "binh chủng xe đạp thồ", góp phần quan trọng vào chiến thắng vang dội của dân tộc.
Trước
khi chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra, thực dân Pháp cho rằng Việt Minh sẽ không
thể nào khắc phục được vấn đề tiếp tế hậu cần cho một chiến dịch lớn và xa hậu
phương như thế. Theo tính toán từ phía đối phương: “Các Đại đoàn của ta để sống
được cần có gạo, mà dân công phải khuân vác vất vả. Họ vừa đi vừa ăn trên đường
thì đến nơi gần như hết sạch, hoàn toàn uổng công”. Việt Minh không có xe tải,
không có phương tiện vận chuyển vũ khí, lương thực và các đồ dùng khác để chiến
đấu ở xa hậu phương đến như vậy.
Thực
ra tính toán của Pháp hoàn toàn có cơ sở. Điện Biên Phủ cách rất xa hậu phương
của chúng ta. Với cung đường vận chuyển xa, trên địa hình rừng núi bao la hiểm
trở, đường vận tải cơ giới hư hỏng và không có đường thủy, thời tiết khí hậu
mưa nắng thất thường, phương thức vận chuyển thô sơ. Tính trung bình nếu vận
chuyển hoàn toàn bằng sức người gánh bộ thì 1kg gạo đi đến đích phải tốn 24kg gạo
ăn dọc đường. Nếu vậy phải huy động hơn 600 nghìn tấn gạo và một lực lượng dân
công khổng lồ. Đây là một vấn đề khó có thể thực hiện được trên thực tế khiến
cho hậu cần trở thành một trong những vấn đề khó khăn nhất khi ta mở chiến dịch
Điện Biên Phủ.
Nhưng
lịch sử Việt Nam đã chứng minh, càng trong những hoàn cảnh ngặt nghèo, bản
lĩnh, trí tuệ, sức mạnh con người Việt Nam lại được phát huy mạnh mẽ hơn bao giờ
hết. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng,
Chính phủ quân và dân ta đã có những cách làm sáng tạo khắc phục mọi khó khăn
như: Động viên nhân dân Tây Bắc ra sức tiết kiệm đóng góp tại chỗ, đẩy mạnh làm
đường, sử dụng tối đa số ô tô vận tải hiện có, huy động tối đa các phương tiện
vận chuyển thô sơ như xe ngựa, voi, xe thồ... Trong tất cả các phương tiện vận
chuyển, xe đạp thồ đã chứng minh được tính ưu việt của mình, là phương tiện vận
chuyển vô cùng hiệu quả chỉ sau xe cơ giới.
Xe
đạp thồ là một phương tiện linh hoạt nó có thể khắc phục được nhiều nhược điểm
của các phương tiện khác. Nó nhỏ gọn, cơ động hơn ô tô nên có thể di chuyển
trên mọi địa hình đồi núi dù là khó khăn nhất, lại không phải tiếp nhiên liệu,
dễ ngụy trang, có thể đi trong mọi địa hình thời tiết. Sử dụng xe đạp thồ vận
chuyển cũng năng suất hơn nhiều so với gánh bộ. Mỗi chiếc xe thồ có sức chở
trung bình từ 50kg đến 100kg tương đương với sức mang của 5 người. Khi được gia
cố thêm, xe đạp thồ có thể mang từ 200kg đến 300kg gạo và có thể mang được những
vật tư cồng kềnh, chất lỏng.
Trong
chiến dịch Điện Biên Phủ đã có hơn 20 nghìn chiếc xe đạp thồ được huy động tham
gia và hoạt động trên suốt chiều dài gần 1.500 km. Xe đạp thồ trở thành loại
phương tiện vận chuyển chính, cơ động, năng suất.
Lúc
đầu, mỗi xe đạp thồ chỉ chở được 80 - 100kg, sau trọng tải được tăng dần lên nhờ
các sáng kiến cải tiến đơn giản mà hiệu quả của các dân công. Qua nhiều lần cải
tiến, xe đạp thồ ngày càng hoàn chỉnh với các phụ tùng như: tay ngai, tay
phanh, khung phụ, lốp kép, nan hoa, phụ tùng bằng tre… Chiếc xe đạp đã “mọc”
lên những bộ phận “kỳ dị” ngoài thiết kế ban đầu để tăng thêm sức thồ của nó
trên những đoạn đường mòn giữa núi rừng hiểm trở mà ô tô không đi được. Để biến
một chiếc xe đạp thành xe thồ, dân công buộc thêm một đoạn tre nhỏ, dài khoảng
1 mét, gọi là “tay ngai” để điều khiển vào ghi đông. Một đoạn tre cao hơn yên
khoảng 50cm để vừa cầm, được buộc vào trục yên xe nhằm vừa giữ thăng bằng vừa đẩy
xe đi. Để tăng độ cứng của khung xe, dân công và bộ đội còn hàn thêm sắt, buộc
thêm gỗ; ngoài ra những dân công còn sử dụng quần áo cũ, săm cũ… để “gia
cố”, tăng độ bền của săm, lốp … Với những đường núi đá sắc, dân công phải dùng
cả đến vải quần áo quấn vòng quanh lốp, tăng thêm sức chịu đựng cho xe. “Có đại
đội xe thồ người chỉ còn quần cộc, áo lót nhưng những “con ngựa sắt” đều được
“đóng móng”, tha hồ “phi nước đại”. Hai chiếc xe thồ “gá” lại có thể chở được
hai thương binh nặng (nằm) và 4 thương binh nhẹ (ngồi). Các xe đạp có đèn phát
điện còn được sử dụng để tạo ánh sáng phục vụ các bác sĩ phẫu thuật trong đêm.
Tổng
kết chiến dịch đã ghi nhận: "chỉ bằng sức người và phương tiện vận tải thô
sơ, lực lượng dân công đã cùng vận tải cơ giới đưa được trên 25 nghìn tấn vũ
khí, lương thực thực phẩm vào phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ”.
Xe
đạp thồ là một phần không thể thiếu trong chiến thắng Điện Biên Phủ. Chiếc xe
thồ không chỉ là phương tiện vận chuyển mà còn là biểu tượng cho tinh thần anh
dũng, kiên cường và ý chí quyết tâm của dân tộc ta. Hình ảnh xe đạp thồ sẽ mãi
mãi được ghi nhớ và trân trọng như một phần đẹp đẽ trong lịch sử hào hùng của
dân tộc.
MỘT SỐ HÌNH ẢNH XE ĐẠP THỒ

Xe đạp
thồ vận chuyển hàng hoá trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Chiếc xe đạp của ông Trịnh Ngọc, dân công xe đạp
thồ thị xã Thanh Hóa, đạt kỷ lục vận chuyển 345,5kg/chuyến phục vụ chiến dịch
Điện Biên Phủ được trưng bày ở Bảo tàng . Ảnh: KIỀU HUYỀN

Đội hình dân công hỏa tuyến với 40 chiếc xe đạp thồ
huyền thoại trong chiến dịch Điện Biên Phủ, tham gia lễ diễu binh.
Giáo viên: Trần Văn Cường
Tổ Khoa học tự nhiên